Kỹ thuật vắt sữa dê đúng cách Update 12/2024

: Kỹ thuật nuôi gà ri hiệu quả Update 12/2024

Vắt sữa dê đúng cách sẽ có lượng sữa nhiều hơn, chất lượng hơn và không làm cho dê cái hoảng sợ. Sau đây là kỹ thuật chuẩn để vắt sữa dê

Đặc điểm tiết sữa của dê

Cấu tạo bầu vú

Bầu vú của dê nằm ở dưới bụng giữa hai chân sau và gồm 2 núm vú. Nhìn bề ngoài bầu vú là một khối song bao gồm hai tuyến sữa tương đối tách biệt. Giữa hai tuyến sữa có một vách ngăn mô liên kết. Vì thế tuyến sữa bên bầu vú này vắt hết thì tuyến sữa bên bầu vú kia vẫn còn đầy nguyên.

Đơn vị cơ bản của tuyến sữa là tuyến bào được cấu tạo từ một tầng tế bào thường bì đơn có nhiệm vụ tạo sữa. Các tuyến bào của tuyến sữa tập trung thành chùm tuyến bào, các chùm tuyến bào lại tập hợp thành các tiểu thùy và thuỳ tuyến. Sữa từ các tuyến bào đổ tập trung vào những ống dẫn sữa, các ống này chảy dồn vào nhau và cuối cùng đổ vào bể sữa. Bể sữa được bối thông với bể đầu vú. Sữa được tiết ra ngoài (khi dê con bú hay khi vắt sữa) từ bể đầu vú qua lỗ đầu vú. Lỗ đầu vú bình thường đóng kín nhờ hệ thống cơ trơn đầu vú, cơ này chỉ mở ra khi có phản xạ tiết sữa. Trong vú còn có các mạch máu, dây thần kinh và mạch bạch huyết.

Chu kỳ sữa và sản lượng sữa

Một chu kỳ sữa được tính từ khi dê đẻ (bắt đầu tiết sữa) cho đến khi dê cạn sữa. Sản lượng sữa của dê là khối lượng sữa (kg hoặc lít) sản xuất ra trong một chu kỳ cho sữa. Năng suất sữa là khối lượng sữa tính theo ngày. Năng suất sữa của các giống dê trung bình 300 – 3000 ml/con/ngày, tuỳ thuộc vào giống, lứa đẻ, thức ăn…

Khả năng sản xuất sữa của Dê Cỏ, Bách thảo và dê cái Cỏ lai F1

Ở nước ta, dê Cỏ có năng suất sữa trung bình là 350 ml/con/ngày và thời gian cho sữa là 90 – 100 ngày/chu kỳ; dê Bách Thảo cho 1,3 lít/con/ngày với chu kỳ cho sữa là 150 ngày và một năm cho 1,7 chu kỳ. Dê Barbari cho 1,0 – 1,05 lít/con/ngày với 148 – 150 ngày cho sữa/chu kỳ,  là  giống  dê  có  sản  lượng  sữa  cao  nhất  (3,8 – 3,9  lít)  tính  trên  100  kg  thể  trọng.  Dê Jumnapari cho 1,4 – 1,6 lít/con/ngày với 160- 180 ngày cho sữa.

Thành phần sữa

Thành phần sữa dê phụ thuộc vào giống, tháng cho sữa, thức ăn… Sữa dê có hàm lượng vitamin, khoáng, protein, đường cao hơn, kích thước hạt mỡ sữa dê lại nhỏ hơn nhiều so với bò và trâu nên giá trị dinh dưỡng và khả năng tiêu hoá hấp thu của nó rất tốt.

Thành phần dinh dưỡng của sữa một số giống dê nuôi ở Việt Nam (%)
Thành phần dinh dưỡng của sữa một số giống dê nuôi ở Việt Nam (%)

Xác định thời điểm vắt sữa

Tùy theo năng suất sữa mà tiến hành vắt 1 lần/ngày hay 2 lần/ngày :

– Vắt 1 lần thì vào buổi sáng sớm.

– Vắt 2 lần trong ngày thì buổi sáng sớm và chiều tối

Xác định số lần vắt sữa

– Trong 10 ngày đầu sau khi đẻ, nếu dê đẻ 2 con trở lên thì không vắt sữa mà để cho dê con bú hết sữa mẹ. Nếu đẻ 1 con thì từ ngày thứ 4 trở đi sẽ vắt 1 – 2 lần/ngày tuỳ theo sản lượng sữa mẹ.

– Từ ngày 11 đến ngày thứ 120 sau đẻ : vắt sữa 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối.

– Từ cuối tháng thứ 4 trở đi dê tiết sữa ít dần. Nếu lượng sữa chỉ đạt dưới 1 lít thì chỉ nên vắt 1 lần/ngày vào buổi sáng, đến cuối kỳ vắt sữa thì vắt cách nhật thưa dần sau đó cạn sữa luôn. Thường sau khi vắt xong mới cho con vào bú mẹ.

– Cách làm cạn sữa: Giảm dần số lần vắt sữa trong ngày, tăng dần khoảng cách vắt sữa: 1ngày vắt 1 lần, 2 ngày vắt 1 lần, 3 ngày vắt 1 lần, rồi cắt hẳn. Dự tính ngày đẻ của dê để chủ động trực đẻ, chăm sóc dê con.

Chuẩn bị vắt sữa

Chuẩn bị địa điểm vắt sữa     

– Địa điểm vắt sữa phải được quét dọn, dội rửa sạch sẽ trước và sau vắt sữa.

Chuẩn bị dụng cụ vắt sữa

– Dụng cụ : Dụng cụ vắt sữa phải đầy đủ. Gồm :

                   + Ghế ngồi vắt                                  + Khăn lau bầu vú

 + Hộp Vazơlin                                  + Khăn lọc sữa

                   + Quần áo vắt sữa                           + Cân để cân sữa

                   + Giày ủng                                        + Thùng vắt sữa

                   + Xô đựng nước sạch rửa bầu vú               + Sạp vắt sữa

– Trước khi vắt sữa phải chuẩn bị khăn mềm sạch, nước ấm để lau bầu vú, núm vú và kích thích phản xạ tiết sữa. Thùng đựng sữa phải đảm bảo sạch sẽ, phải rửa sạch, tráng nước sôi sau mỗi lần đựng sữa.

Vệ sinh tay người vắt sữa

       – Tay người vắt sữa phải cắt ngắn móng tay thường xuyên, mài nhẵn. Trước khi vắt sữa phải rửa tay với xà phòng, kỳ chải móng tay và lau khô cẩn thận bằng khăn lau sạch.

6Vệ sinh bầu vú, vùng thân sau

       – Trong trường hợp dê quá bẩn, cần tắm rửa cho dê trước khi vắt sữa  : Dùng vòi phun nước phun rửa hai bên sườn, chân sau và bụng.

– Nếu dê không bẩn lắm thì không cần tắm như nêu trênmà chỉ cần dùng một khăn mềm nhúng vào nước ấm có nhiệt độ 40 – 420C và lau rửa bầu vú, sau đó lau khô nhẹ nhàng. Có thể nhúng khăn vào dung dịch sát trùng nhẹ như dung dịch cồn I ốtt 1 – 2%.

Kỹ thuật vắt sữa

– Người ngồi vắt sữa phải đúng tư thế :

kỹ thuật vắt sữa dê đúng cách

– Rửa sạch bầu vú bằng nước ấm 37 – 400C, lau khô, xoa bóp nhẹ xung quanh bầu vú để kích thích tuyến sữa rồi mới vắt. Thao tác vắt phải nhanh, đều đặn thì dê mới tiết sữa nhiều. Có thể sử dụng phương pháp vắt nắm, cuối cùng vắt vuốt để kiểm tra và lấy hết sữa ra khỏi vú.

– Khi bắt đầu vắt, phải quan sát những tia sữa đấu tiên và trạng thái bầu vú, núm vú, phản ứng của dê mẹ và lượng sữa vắt được để phát hiện bệnh lý và điều trị kịp thời.

– Trình tự các bước khi vắt sữa dê như sau :

1. Rửa sạch tay trước khi vắt sữa  

2. Rửa bầu vú dê bằng nước ấm sạch hoặc nước máy có thuốc sát trùng. Sau đó dùng khăn sạch lau khô bầu vú và tay người vắt. Tuyệt đối không vắt sữa khi tay còn ướt.  

3. Siết chặt ngón tay cái và ngón trỏ ở vị trí gốc núm vú để sữa không trở lại bầu vú được  

4. Tiếp tục siết ngón tay áp nỏ để ép sữa ra ngoài. Tia sữa đầu tiên cần được loại bỏ.  

5. Tiếp tục siết chặt ngón tay áp út, lưu ý tạo áp lực đều đặn.   

6. Cuối cùng siết chặt ngón út để ép hết sữa ra ngoài.

7. Thả lỏng toàn bộ các ngón tay và lặp lại quá trình vắt như trên.  

8. Khi thấy sữa chảy ra ít thì gãi nhẹ vào bầu vú để kích thích sữa phân tiết vào núm vú  

9. Thứ lự vắt lặp lại như trên

10. Vắt kiệt sữa cho đến giọt cuối cùng bằng cách kẹp chặt núm vú vào giữa ngón tay cái và ngón chỏ.

11. Vuốt dọc theo chiều dài núm vú. Chú ý thao tác không quá mạnh và không gây tổn thương hoặc làm cho dê đau đớn.

12. Vệ sinh sát trùng vú sau khi vắt sữa

13. Lọc và cân sữa

Bảo quản sữa

Sữa dê, sau khi vắt xong đem thanh trùng và bảo quản trong tủ lạnh. Phương pháp tiến hành thanh trùng như sau :

– Cho sữa đã lọc vào bình nhôm, không sử dụng các dụng cụ bằng đồng, sắt…vì sẽ làm hỏng sữa. Thả nổi bình sữa này vào một xoong to hơn có chứa nước để đun hấp cách thuỷ sữa.

– Thả một nhiệt kế nổi trên bề mặt sữa để kiểm tra nhiệt độ trong quá trình xử lý.

– Trong quá trình đun hấp sữa nên khuấy sữa liên tục cho lới khi nhiệt độ đạt tới 800C hoặc khi quan sát thấy sữa bắt đầu bốc hơi.

– Giữ sữa ở nhiệt độ trên trong 30 giây, sau đó nhanh chóng thả nổi bình sữa vào chậu nước lạnh. Không ngừng quấy sữa để làm sữa giảm nhiệt độ xuống nhanh chóng và đều.

– Đựng sữa trong các bình đã khử trùng, bọc kín. Khi đặt sữa vào tủ lạnh có thể làm thay đổi cấu trúc các chất béo, sữa có thể có dạng hạt, tuy nhiên điều này không làm giảm chất lượng sữa.

Ghi chép sổ sách theo dõi

– Sau khi vắt sữa xong phải ghi sổ sách theo dõi về năng suất sữa của từng cá thể, là cơ sở để đánh giá chất lượng con giống và quá trình nuôi dưỡng.

– Ghi chép những con bị viêm vú tách riêng ra điều trị.

 

 

Rate this post