Hiệu quả cao từ giống lạc LDH.09 Update 11/2024

: Hiệu quả kinh tế cao từ trồng xoan lấy gỗ ở Đô Lương Update 11/2024

Giống lạc LDH.09 do TS. Hoàng Minh Tâm, TS. Nguyễn Văn Thắng cùng các cộng sự Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam lai tạo và chọn lọc thành công từ dòng lạc số 9-37 của tổ hợp lai đơn ICG20 x 9205-H1.

Đặc điểm chính: Lạc LDH.09 có thời gian sinh trưởng 90 – 100 ngày, tùy mùa vụ. Kiểu hình cây bán đứng. Hoa phân bố tập trung. Lá chét trưởng thành màu xanh đậm. Eo quả trung bình. Tỷ lệ hạt/quả đạt 64 – 69%. Khối lượng 100 hạt 66 – 68gram. Khối lượng 100 quả 160 – 169gram. Chịu đất nhiễm mặn mức trung bình. Nhiễm nhẹ các bệnh đốm đen, đốm nâu, gỉ sắt, héo xanh và thối đen cổ rễ. Năng suất bình quân đạt 35 – 40 tạ/ha, tùy mùa vụ và điều kiện thâm canh.

>>> Xem thêm: Kỹ thuật trồng lạc vụ thu đông

Hiệu quả cao từ giống lạc LDH.09

Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật:

Khu vực duyên hải Nam Trung bộ, vụ Xuân gieo hạt từ tháng 12 – 1, vụ Hè thu gieo đầu tháng 4 đến đầu tháng 5, vụ Thu đông gieo 15/7 – 15/8.

Đồng bằng trung du Bắc bộ, vụ Xuân gieo 05/2 – 15/3, vụ Thu đông gieo từ 25/8 – 15/9.

Các tỉnh Bắc Trung bộ, vụ Xuân gieo trong tháng 2, vụ Thu gieo 15/7 – 15/8.

Vùng cao nguyên Trung bộ, vụ Hè thu gieo trong tháng 5.

Mật độ gieo 40 khóm/m2, khoảng cách 25cm x 10cm/khóm.

Lượng phân bón cho 1ha: Với đất cát ven biển nhiễm mặn, bón 5 tấn phân hữu cơ hoai mục + 500kg vôi bột + 65kg Đạm urê + 560kg Lân supe + 122kg Kalisulfat (K2SO4). Với đất không nhiễm mặn, bón 5 tấn phân hữu cơ hoai mục + 500kg vôi bột + 65kg Đạm urê + 560kg Lân supe + 122kg Kali Clorua.

Cách bón, các ruộng lạc trồng không che phủ nilon, bón lót 100% phân lân + 100% phân hữu cơ + 50% vôi bột + 50% lượng phân đạm + 50% lượng phân kali. Bón thúc lần 1 (khi lạc có 2 lá thật) 50% lượng phân đạm + 50% lượng phân kali. Bón thúc lần 2 (khi cây lạc tắt hoa), bón hết số vôi còn lại.

Các ruộng lạc trồng che phủ nilon, bón lót toàn bộ phân hữu cơ, phân lân, phân đạm, phân kali và 50% vôi bột, theo thứ tự phân đạm, lân, kali bón dưới, phân chuồng, vôi bón trên, sau đó lấp một lớp đất dày 2 – 3cm kín phân mới tiến hành gieo lạc. Bón thúc lần 2 (khi ruộng lạc tắt hoa), hết số vôi còn lại.

Có thể thay lượng phân bón hữu cơ nêu trên bằng 500 – 700kg phân hữu cơ vi sinh và các loại đạm, lân, kali bằng bón NPK 3:6:9.

Đảm bảo đủ độ ẩm thường xuyên cho cây lạc từ sau mọc 20 – 30 ngày, đặc biệt là vào các thời kỳ cây lạc có 6 – 7 lá thật và sau cây lạc tắt hoa 30 ngày.

Theo dõi phòng trừ kịp thời một số sâu bệnh hại chính như, sâu khoang, sâu xanh, rệp, rầy, bọ trĩ và các bệnh lở cổ rễ, thối đen cổ rễ, gỉ sắt…

Khuyến cáo, nên mở rộng đại trà kỹ thuật trồng lạc che phủ nilon cho tất cả các vùng/khu vực, loại đất và thời vụ gieo trồng lạc, đặc biệt là tại địa phương vùng trung du miền núi và đất cát ven biển.

Thu hoạch khi có trên 80% số quả (củ) lạc trên cây đã chín. Củ lạc sau thu hoạch phơi trên bạt nhựa hoặc cót tre tới độ ẩm 10%, chờ cho củ lạc nguội mới đưa vào bảo quản trong thùng tôn hoặc bao nilon 2 lớp và để nơi khô ráo thoáng mát.

Địa phương đã áp dụng thành công: Giống lạc LDH.09 đã sản xuất thương phẩm đạt hiệu quả cao, tại vùng đất cát ven biển xã Cát Hải, huyện Phù Cát (Bình Định), xã Bình Nam, huyện Thăng Bình (Quảng Nam)…

Rate this post