Hiệu quả kinh tế cao từ trồng xoan lấy gỗ ở Đô Lương Update 12/2024

: Kỹ thuật trồng riềng cho năng suất cao Update 12/2024

Hiện nay, trên thị trường, cây xoan đâu đang có lợi thế bởi dễ trồng, đầu ra thuận lợi. Ở nhiều xã của huyện Đô Lương, bà con đã chuyển sang trồng cây xoan địa phương để lấy gỗ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Dọc đường vào xã Giang Sơn Tây, Nam Sơn, Bắc Sơn, Bồi Sơn… (Đô Lương), chúng tôi thấy các rừng xoan xanh tốt. Xoan được người dân trồng ở trong vườn nhà, trên đồi và cả dọc hai bên đường đi. Chị Nguyễn Thị Thịnh ở xóm Bắc Long, xã Giang Sơn Tây chỉ  vào vườn xoan vừa chặt bán, cho biết: “Vườn đồi khoảng hơn 3 sào đất, trước đây trồng cây ăn quả, nhưng do đất xấu nên không hiệu quả, gia đình tôi đã trồng trên 110 gốc xoan. Qua hơn 7 năm trồng, tôi chỉ bán 100 cây xoan với giá trên 150 triệu đồng, còn 10 cây để lấy gỗ làm nhà”. Theo chị Thịnh thì khoản tiền này là rất lớn, giúp gia đình chị chăm lo được nhiều thứ, tái đầu tư sản xuất.  
Vườn xoan hộ dân ở xã Bồi Sơn (Đô Lương).
Vườn xoan hộ dân ở xã Bồi Sơn (Đô Lương).
Gần đó là đồi xoan xanh tốt 4 năm tuổi của gia đình anh Nguyễn Bá Nguyên, trước đây anh trồng keo nhưng giá rẻ nên thấy nhiều người bán gỗ xoan được giá nên anh trồng xoan địa phương. Khoảng 3 năm nữa vườn xoan sẽ cho thu hoạch. Dự kiến vườn xoan gia đình anh sẽ bán được khoảng 400- 600 triệu đồng.
 Cây xoan địa phương ở Đô Lương đang tỏ ra có lợi thế bởi dễ trồng, lớn nhanh. Sau mùa hoa, đậu quả, hạt rơi xuống có thể mọc lên. Xoan cũng dễ tính, phù hợp với nhiều vùng đất. Hiện nay, đầu ra khá thuận lợi,  các cơ sở mộc trên địa bàn đến tận vườn để thu mua, giá trị cao gấp 3 – 4 lần so với trồng cây keo lai. Ông Đặng Xuân Quảng, Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Tây cho biết: Giá trị từ cây xoan địa phương khá cao, tuy nhiên bà con chủ yếu còn trồng xoan theo dạng phân tán, nhỏ lẻ, trồng mục đích để lấy gỗ làm nhà chưa có mục đích kinh doanh. Mấy năm trở lại nay thấy được giá trị từ xoan nên có khá nhiều hộ mở rộng quy mô trồng xoan, bà con tận dụng đất vườn, đất vệ đường, bờ rào trồng chứ cũng chưa trồng thành rừng như trồng keo, tràm. Tổng diện tích xoan trên địa bàn mới chỉ đạt  60 ha chủ yếu tập trung ở các xóm Bắc Long, Lê Lai, Bắc Giang, Đồng Minh… Xã đang khuyến khích bà con chuyển đổi sang cây xoan đồi  lấy gỗ để tăng thêm giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích.
Ở xã Lam Sơn, hầu như nhà nào cũng  trồng xoan. Gặp anh Đặng Xuân Thức đang thu hoạch xoan, anh cho hay: Đây là lứa xoan thứ 2 của gia đình, thu hoạch gần 100 gốc, đạt khoảng trên 50m3 gỗ, doanh thu trên 100 triệu đồng. Nhờ cây xoan đâu mà gia đình có gỗ làm nhà, có tiền trang trải cuộc sống nuôi con ăn học. Sắp tới gia đình anh sẽ mở rộng quy mô trồng xoan lên khoảng trên 200 gốc để tăng thêm thu nhập. 
Dọc đường huyện, có khá nhiều điểm tập kết gỗ xoan ở ven đường  chờ thương lái thu gom vận chuyển tới các cơ sở chế biến. Anh Nguyễn Phương ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành người chuyên thu mua xoan cho biết: “Hàng tháng chúng tôi đều lên tận các xã Lam Sơn, Ngọc Sơn, Bồi Sơn để thu mua xoan. Gỗ xoan được khá nhiều người đặt hàng, ngoài đóng rui, mè, trần nhà, tường ri… khách hàng còn đặt chúng tôi đóng tủ áo quần, tủ bếp đều bằng gỗ xoan. Làm thợ mộc có tay nghề đã trên 20 năm, tôi thấy gỗ xoan được chế biến kỹ qua tẩm sấy, đồ nội thất có thể dùng hàng chục năm, giá lại rẻ. Gỗ xoan có màu sắc tươi sáng, vân đẹp, được người tiêu dùng lựa chọn”.
Ông Trần Doãn Hùng, Trưởng phòng nông nghiệp Đô Lương cho biết thêm: Những năm qua giá trị cây keo quá thấp, huyện đã khuyến khích bà con chuyển đổi sang trồng cây xoan lấy gỗ để tăng thêm giá trị thu nhập. Đến thời điểm này toàn huyện có trên khoảng 500 ha xoan. Bình quân thu nhập đạt khoảng 400 triệu đồng/ha. Thu nhập từ trồng xoan giá trị lớn nhưng huyện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Hiện tại chủ yếu người dân vẫn đang trồng xoan tự phát, chưa chú trọng về chất lượng giống, hầu hết người dân để hạt giống rơi tự mọc rồi bứng trồng nên quá trình thu hoạch mặc dù đã đủ chu kỳ từ 7-8 năm nhưng chưa có cây gỗ lớn. Về cơ chế chính sách cũng chưa có hỗ trợ kinh phí cho người trồng. Để phát triển xoan bền vững, ngay từ đầu vụ trồng rừng nguyên liệu, phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông huyện… khuyến cáo bà con lấy giống xoan ở những cơ sở sản xuất đảm bảo chất lượng. Theo ông Trần Doãn Hùng, toàn huyện Đô Lượng hiện có trên 3.500 ha keo lai, huyện đang có hướng chuyển đổi dần sang  xoan địa phương, lát hoa… để tăng thêm thu nhập.

Rate this post