Kĩ thuật nuôi và chăm sóc chim cu gáy non mau lớn khỏe mạnh Update 12/2024

Chim cu gáy nên được nuôi ngay từ khi chúng còn nhỏ (đang mọc lông và chưa biết bay) để tiện theo dõi từng giai đoạn phát triển của chim cũng như chăm sóc và huấn luyện thuần thục. Vậy làm thế nào để chim cu gáy có thể sinh trưởng và phát triển trong điều kiện tốt nhất? Cùng tham khảo các kỹ thuật nuôi chim cu gáy non dưới đây ngay thôi nào.

Kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim cu gáy non

Thức ăn cho chim cu gáy non

Chim non mới nở thường rất yếu và chưa thể mở mắt được. Vì vậy mà việc chăm sóc chim phụ thuộc vào nguồn thức ăn cung cấp từ chim bố mẹ. Bạn lúc này đóng vai trò giống như chim bố chim mẹ trong quá trình nuôi nấng và dạy dỗ chim non. Việc hiểu và nắm rõ các kỹ thuật nuôi chim non là cần thiết nhằm giúp chim non thích nghi nhanh với môi trường và phát triển khỏe mạnh.

Hãy luôn nhớ rằng chuẩn bị đồ ăn và nước uống là công đoạn đầu tiên và quan trọng nhất để nuôi những con chim cu gáy non mà bạn sở hữu.

Trước hết, bạn dùng 2 chai nhựa có hình dáng như lọ nước nhỏ mắt nhưng to hơn gấp 2 lần là được. Sau đó, rửa sạch sẽ, để khô ráo, rồi cắt lỗ nhỏ trên đầu chai đủ để nhỏ giọt, giống như nhỏ nước vào mắt. Một chai, bạn dùng để đựng nước sạch, khi cho chim uống thì nhỏ từng giọt một. Chai còn lại để bỏ thức ăn là cám hoặc bột dành cho chim non, cho vào chén nhỏ, đổ nước nóng vào khuấy đều thành hỗn hợp sền sệt, để nguội rồi rót vào chai, cho cu gáy ăn từng chút một.

Thức ăn của chim non thường là cám trứng, cám gà con. Có một cách khác nữa là dùng đậu phộng giã mềm để cho chim ăn. Khi nào đến giờ cho cu gáy ăn thì bạn lấy 2 chai đã chuẩn bị ra và bóp nhẹ để nhỏ từng chút một vào miệng cu gáy.

Nếu chim còn non, không biết mở miệng thì bạn phải dùng một tay để cầm chai, một tay cầm cu gáy con, bóp nhẹ 2 bên má nó cho nó mở miệng ra. Sau vài lần được cho ăn, chim cu gáy non sẽ quen và dần hình thành phản xạ, khi được cho ăn sẽ tự động há miệng ra mà không cần bạn phải bóp 2 bên má nữa.

Lưu ý: Diều chim rất mỏng và bé nên những giai đoạn bón trong 5-7 ngày đầu không nên bón no quá và xác định phải bón 3-4 bữa 1 lần. Tránh ép cho chim ăn quá nhiều hoặc quá nhanh khiến chim dễ bị nghẹn.  

Khi chim non đã bắt đầu mọc đầy đủ lông cánh thì bạn hãy lấy cám và hạt kê thả dưới đáy lồng, chim sẽ tự mổ và ăn.

Lồng nuôi chim cu gáy non

Nên chọn lồng đơn, kích thước từ 40-60 cm, bố trí 2 màng vải ở 2 bên để giữ chim yên tĩnh và cảm thấy được an toàn. Chim non cần một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi và có chế độ chăm sóc đặc biệt, vì thế cần phải treo ở nơi cao ráo tránh chó, mèo, chuột, ít người qua lại thì càng tốt.

Cách làm thân và tập gáy cho chim

Làm thân với chim cu không khó, mỗi lần đến chỗ chim thả 1-2 hạt ngô, hạt thóc cho ăn. Lâu dần chim sẽ quen người và có được cảm giác gần gũi, thân thuộc khi ở bên cạnh bạn. 

Khi cườm bắt đầu mọc là thời điểm thích hợp để tập gáy cho chim cu. Khi nào đến bên lồng chim bạn hãy kêu những tiếng “Cúc cu…cúc cu” để chim học theo và càng ngày âm phát ra phải nhanh hơn một chút để tạo ra phản xạ cho chim. Vừa tập gù bạn có thể kết hợp với việc gật đầu và đưa hai tay lên xuống giống như 2 chú chim đang gù cùng nhau.

Mới đầu chim non có thể còn nhát, chưa quen và né tránh bạn nhưng nếu kiên trì một thời gian, chúng sẽ chơi rất sung và thậm chí còn gù lại với chủ. Mỗi lần chú chim cu gáy của bạn gù ra những tiếng hay thì đừng quen thưởng những hạt thóc, hạt vừng để khích lệ tinh thần chim nhé.

Cũng giống như các loài chim cảnh khác, việc nuôi chim cu gáy non không hề khó nếu biết cách chăm sóc và có chế độ tập dượt phù hợp cho chim. Muốn chú chim nhanh dạn hơn thì khi chim đã cứng cáp hơn một chút, sung lửa hơn thì hãy để chim làm quen với thế giới bên ngoài bằng cách treo lông chim ở nơi có nhiều người qua lại. Chúc các bạn thành công!

Chimcanh.net

Rate this post