Một số lưu ý khi nuôi ếch trong lồng lưới Update 12/2024

: Tìm hiểu Kỹ thuật nuôi ruồi lính đen Update 12/2024

Ếch là động vật lưỡng cư sống được cả trên cạn và dưới nước, ếch có khả năng hô hấp bằng phổi và qua da. Thịt ếch trắng hồng, dai, thơm ngon là nguồn cung cấp đạm rất tốt cho con người.

Hiện nay, mô hình nuôi ếch bằng lồng lưới giăng trong ao, kết hợp nuôi cá dưới ao đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Mô hình thuận tiện cho quá trình chăm sóc ếch, giúp người nuôi giảm chi phí so với nuôi bằng bể xi măng, giúp tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất. Đặc biệt sử dụng chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi đã góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn. Tuy nhiên để nuôi ếch thành công thì người nuôi cần tìm hiểu kỹ quy trình kỹ thuật trước khi nuôi.

Chuẩn bị ao: ao nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ, vét bùn, bón vôi, phơi ao, lấy nước vào và xử lý nước. Trong ao đặt lồng nuôi ếch vẫn nuôi cá bình thường mà lại không tốn nhiều thức ăn cho cá. Các loại cá thích hợp cho môi trường này là: cá tra, rô phi… Các loại cá này dễ thích nghi với môi trường, hơn nữa lại ăn tạp và kháng bệnh cao.

Lồng lưới: Lồng nuôi ếch là loại lưới nilon. Kích cỡ mắt lưới khoảng 0,5-1cm. Kích thước lồng dài khoảng 4-5m, ngang khoảng 3m, chiều sâu khoảng 1,2m. Các lồng ếch được đặt cách bờ khoảng 20cm, cách mặt nước khoảng 40-50cm. Bên cạnh đó, để phòng tốt hơn trường hợp ếch nhảy ra và tránh nhiều địch hại cho ếch như rắn, chim, mèo nên có nắp lồng ở trên.

Giá thể cho ếch: Sử dụng các miếng xốp có kích thước rộng 30 cm, dài 40 cm, đặt ở dưới đáy chiếc lưới, khoảng cách giữa các tấm xốp là 20-25 cm; hoặc sử dụng tre khô đóng lại thành những tấm vạt nhỏ có chiều ngang khoảng 3-5cm, chiều dài khoảng 3-4m, dùng lưới có kích cỡ mắc lưới khoảng 0,2-0,4cm bao tấm vạt tre vừa đóng lại. Giá thể nhằm làm chỗ nghỉ cho ếch và cho ếch ăn. Diện tích giá thể chiếm 2/3 – 3/4 diện tích nuôi. Chú ý khi làm các giá thể: đinh đóng vào vạt tre không được để lòi ra ngoài sẽ làm trầy xước ếch hay tấm xốp có thể bọc nilon lại vì khi bể ra ếch có thể ăn vào làm khó tiêu.

Chọn giống và thả giống: Chọn ếch khoảng 100con/kg, đồng đều, khỏe mạnh, linh hoạt, màu sắc đậm, không nhiễm bệnh hay bị dị tật. Thời gian thả: lúc trời mát (buổi sáng hoặc buổi chiều). Mật độ thả nuôi: 40-80 con/m2.

Thức ăn: sử dụng thức ăn viên nổi có độ đạm cao (22-35%). Cho ăn bằng cách rải thức ăn trực tiếp lên các giá thể đặt trong lồng lưới. Tháng đầu cho ăn 7-10% trọng lượng đàn ếch, 3 – 4lần/ngày; từ tháng thứ hai cho ăn 2 – 5%, 1-2lần/ngày.

Quản lý, chăm sóc: Định kỳ trong suốt vụ nuôi sử dụng men tiêu hóa, vitamin C bổ sung vào thức ăn cho ếch ăn; đồng thời dùng men vi sinh xử lý nước ao. Khoảng 2 tuần cân ếch một lần để kiểm tra trọng lượng trung bình cả đàn làm cơ cơ sở điều chỉnh chế độ cho ăn và chăm sóc hợp lý. Giữ mực nước trong lồng từ 10 – 30cm. Nếu có điều kiện che mát và phun tưới nước vào lúc trời nắng thì mực nước chỉ cần giữ ngập 1/2 – 2/3 thân ếch. Thường xuyên quan sát chất lượng nước và kịp thời thay nước khi cần thiết.

>>> Xem thêm: Mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô phi đỏ

Một số lưu ý khi nuôi ếch trong lồng lưới

Phân cỡ: Trong quá trình nuôi nhất là trong tháng đầu, bà con cần tách riêng các loại ếch lớn nhỏ sang từng lồng riêng để dễ chăm sóc, nhằm tránh tình trạng chúng chia thành bầy đàn, con lớn cắn con nhỏ, gây hao hụt về số lượng và chậm lớn (thao tác bắt phải nhẹ nhàng, dùng vợt để vớt nhằm tránh trầy sướt da và làm mất nhớt trên da ếch).

Thu hoạch: Sau 2-3 tháng nuôi ếch đạt trọng lượng trung bình 200-250 g/con, có thể thu hoạch toàn bộ.

Nếu bà con tìm hiểu kỹ những yêu cầu kỹ thuật trên tin chắc rằng sẽ có một vụ nuôi ếch thành công.

Rate this post